Bắt giam ông chủ Học làm giàu và hạt 'mắc ca tỷ đô'
Nhiều nhà đầu tư đã dốc hàng tỷ đồng vào dự án trồng cây mắc ca, khi được cam kết lãi suất siêu khủng, từ 30 - 60%/năm. Hay tin ông chủ dự án bị bắt, họ như ngồi trên đống lửa.
Chiều 13/1, đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và tham nhũng (PC 46) Công an TP Hà Nội cho biết, đơn vị đã bắt Phạm Thanh Hải (49 tuổi), Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại đầu tư và Phát triển công nghệ Quốc tế (Công ty IDT), để điều tra hành vi Kinh doanh trái phép và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc bắt giữ được cơ quan điều tra thực hiện cách đây 3 tháng.
Ông Hải là chủ dự án “Học làm giàu” và dự án “Mắc ca tỷ đô” ở Điện Biên, từng gây chú ý dư luận thời gian qua. Ngay sau khi ông Hải bị bắt, nhiều bị hại là các nhà đầu tư góp vốn đã hoang mang, vì tiền của họ có nguy cơ mất trắng.
Kêu gọi đầu tư với lãi suất siêu khủng
Gửi đơn tố cáo hành vi chiếm đoạt tài sản của Công ty IDT đến Báo Giao thông, bà K. (ở Thanh Chương, Nghệ An) nêu rõ: "Qua anh Bùi Vinh Châu và chị Đinh Thị Vân Anh - nhà môi giới đầu tư của Công ty IDT International, trụ sở tại tầng 20 tòa nhà CharmVit (117 Trần Duy Hưng, Hà Nội), bà góp vốn đầu tư vào Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Maccadmia Quốc tế (IDMA - nổi tiếng với dự án hạt Mắc-ca).
Phạm Thanh Hải thuyết trình Làm giàu khó hay dễ? |
Theo đó, bà K. đã ký 3 hợp đồng ủy thác đầu tư. Cả 3 hợp đồng trên nay đã quá hạn, gia đình bà K. nhiều lần liên lạc để lấy tiền theo như cam kết, nhưng phía Công ty IDT International không chịu chi trả đúng hạn, có dấu hiệu chiếm đoạt số tiền.
Đáng chú ý, trong 3 hợp đồng bà K. đề cập không hề có chữ ký của bị hại. Hợp đồng thứ nhất không có chữ ký của bên ủy thác. Hai hợp đồng còn lại, bên ủy thác được ông Bùi Vinh Châu ký. Tổng giá trị của một hợp đồng góp vốn đầu tư và 2 hợp đồng ủy thác đầu tư với ông Phạm Thanh Hải là 685 triệu đồng.
Nội dung một hợp đồng lập ngày 20/2/2015 cho thấy, bên nhận ủy thác (ông Phạm Thanh Hải - PV) có toàn quyền sử dụng số tiền 405 triệu đồng của bên ủy thác (bà K) để góp vốn đầu tư vào Công ty IDMA.
Ngày 20/8/2015, ông Hải có trách nhiệm thanh toán cho bà K. một phần tiền góp vốn là 105 triệu đồng (số tiền này đã được thanh toán). Đến ngày 20/11/2015, ông Hải có trách nhiệm thanh toán nốt số tiền 300 triệu đồng cho bà K.
Công ty IDT được thành lập ngày 13/3/2007 với các lĩnh vực chủ yếu là đào tạo, công nghệ, bất động sản và một số lĩnh vực khác. Công ty này công bố một số dự án đầu tư trên website như: Học làm giàu, Đại học Thành Tây, Macadamia Điện Biên…
Trước đó, Công ty IDT thường xuyên tổ chức các khóa học làm giàu, qua đó mời gọi đầu tư với lãi suất siêu khủng từ 30 - 60%/năm. Theo đó, nếu nhà đầu tư ủy thác vốn khoảng 1 tỷ đồng, năm sau sẽ nhận được 1,6 tỷ đồng.
Phóng viên đã trao đổi với hai “nhà môi giới đầu tư” là ông Bùi Vinh Châu và bà Đinh Thị Vân Anh, tuy nhiên, họ đều cho rằng mình không có trách nhiệm trong các hợp đồng này, mà thuộc ông Phạm Thanh Hải. Nhưng ông Châu và bà Vân Anh lại không phủ nhận chữ ký của mình trong hợp đồng ủy thác của bà K.
Nhà đầu tư hoang mang
Ngay khi xuất hiện những khuất tất tại Công ty IDT, ông Hải bỗng dưng biến mất, khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng. Gọi ông Hải, điện thoại không liên lạc được.
Còn bà Lê Hải Yến (vợ ông Hải) cho hay, chồng mình bị cơ quan điều tra bắt giữ.
Nhằm xác minh nhiều khuất tất liên quan đến hoạt động của công ty này, trong vai một nhà đầu tư được bạn bè giới thiệu, phóng viên đã tìm đến Công ty IDT.
Tại đây, phóng viên gặp một người tên Ngọc, xưng là nhân viên của Công ty IDT. Tuy nhiên, khi được hỏi, bà Ngọc cho biết, Công ty IDT đang dừng việc đầu tư do có một số vấn đề trong giai đoạn này. Khi được hỏi về cách thức góp vốn đầu tư, bà Ngọc nói với phóng viên rằng về hỏi lại bạn, còn mình bận đi gặp những người đã đầu tư.
Tại trụ sở Công ty IDT, ghi nhận có nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi. Một số nhà đầu tư cho biết, tuần nào họ cũng tìm lên công ty vài lần để nghe ngóng thông tin.
Bà N, một nhà đầu tư có mặt tại đây cho biết, bà đã đầu tư hàng trăm triệu vào dự án của ông Phạm Thanh Hải, nhưng khi thấy có vấn đề, đòi rút hết vốn, nhân viên Công ty IDT khất lần với lý do giữ lại để đầu tư tiếp.
Các nhà đầu tư “ăn bánh vẽ” thế nào?
Trên trang mạng của công ty ông Hải giới thiệu, vị này tốt nghiệp đại học, có học vị tiến sĩ tại trường Đại học Tổng hợp Belarus (Minsk, Liên Xô cũ) năm 1994.
Vị Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng được tuyên dương có bề dày nhiều năm kinh nghiệm hoạt động, làm việc tại Nga.
Phạm Thanh Hải giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư
. |
Liên quan đến dự án “Mắc ca tỷ đô” của Công ty IDT - dự án khiến nhiều nhà đầu tư “sập bẫy”, có không ít quảng cáo cho loại cây này. Ví như: “Một hecta mắc-ca giá trị lợi nhuận tới 2.000 - 3.000 USD. Nếu xét về giá trị kinh tế, không có loại cây nào đủ sức cạnh tranh với mắc-ca. Vì vậy, cây mắc-ca xứng đáng là sự lựa chọn cây trồng xóa đói giảm nghèo”.
Nắm bắt được tâm lý của nhiều người muốn đầu tư vào loại cây có giá trị cao này, tháng 6/2014, Công ty IDT đã giới thiệu ra thị trường 4 sản phẩm nhân mắc ca cao cấp.
Ông Phạm Thanh Hải khi đó còn cho biết, do hạt mắc ca thu hoạch trong nước không đáng kể nên các sản phẩm của IDT đều được chế biến chủ yếu từ hạt mắc-ca nhập khẩu của Australia. Do vậy, ngoài việc phát triển các sản phẩm chế biến từ nhân mắc-ca, IDT cũng đang triển khai dự án trồng gần 4.000 ha giống cây này tại Điện Biên.
Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ với ông Trần Công Nhì, Giám đốc Công ty Cổ phần Macadamia tỉnh Điện Biên, vị này cho biết, có biết ông Phạm Thanh Hải nhưng IDT không hề liên quan gì với doanh nghiệp này.
Câu hỏi đặt ra là Công ty IDT huy động vốn nhiều tỷ đồng từ các nhà đầu tư và trồng 4.000 ha mắc ca ở đâu?
Mặc dù chưa xác minh được “dự án tỷ đô” của Công ty IDT như thế nào, nhưng đến tháng 4/2015, Bộ NN&PTNT đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, khẳng định chưa đủ căn cứ khoa học để phê duyệt quy hoạch cây mắc-ca.
Cũng theo công văn này, quy trình nhân giống, chăm sóc và công nghệ chế biến mắc ca đang trong giai đoạn hoàn thiện. Điều đó chứng tỏ, việc Công ty IDT huy động vốn nhiều tỷ đồng từ các nhà đầu tư để trồng 4.000 ha mắc-ca là không có cơ sở.
Theo Phòng PC46, đơn vị đang điều tra vụ việc.
Công ty IDT huy động vốn lãi suất “khủng” đầu tư vào những đâu?
Mời góp vốn với lãi suất siêu "khủng" từ 30 - 60%/năm, Công ty IDT sẽ kinh doanh gì và lấy tiền ở đâu để trả lãi khách hàng cao đến như vậy?
Với lãi suất mời gọi siêu “khủng” từ 30 đến 60% năm, nếu khách hàng bỏ tiền góp vốn vào công ty IDT trị giá 1 tỷ thì sau một năm số tiền đó được hứa đó sẽ thành 1,6 tỷ cả gốc lẫn lãi. Không hiểu với lãi suất “khủng” đó, IDT sẽ kinh doanh hay làm gì và lấy tiền ở đâu để trả lãi khách hàng cao đến như vậy?
Điều này đang xảy ra tại Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư và Phát triển Công nghệ Quốc tế (viết tắt là IDT) có trụ sở tầng 20 tòa nhà CharmVit, 117 Trần Duy Hưng. Chỉ với lời hứa có cánh khi đánh vào tâm lý lãi suất “siêu khủng” tới 60% mà đến nay có tới hàng trăm khách hàng tự nguyện góp vốn cho IDT với số tiền nhiều tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của PV báo Thời Đại, công ty IDT được thành lập ngày 13/03/2007, ngành nghề của IDT là các lĩnh vực đào tạo và công nghệ, bất động sản và một số lĩnh vực khác. Chẳng hạn một số dự án công bố trên website của công ty như: Học làm giàu, trường xưa, đại học Thành Tây, Macadamia Điện Biên… Một số dự án bất động sản mà công ty IDT quảng cáo là đầu tư, nhưng chưa từng được nhắc đến trên các phương tiên truyền thông như: Dự án NewPeaks, Tây Thăng Long, Đông Trường Sơn…
Một bạn tên V chia sẻ: “Em cũng không biết công ty IDT làm ăn thế nào, chỉ biết giờ họ đang huy động vốn dưới dạng ủy thác đầu tư cho công ty đi đầu tư hộ mình (có hợp đồng ủy thác, nhưng ko có công chứng). Với hợp đồng mà không có công chứng thì đừng hòng kiện được IDT nếu như họ tuyên bố dự án đổ bể…”
Theo V, việc ủy thác vốn cho công ty IDT cao gấp nhiều lần so với ngân hàng, em tự hỏi là sao công ty không vay ngân hàng mà làm (chắc lãi cùng lắm đến 20% 1 năm), lại đi vay người dân như mình. Em cũng đoán ra là công ty này không giải trình được việc có lãi của các dự án họ đang đầu tư, nên ngân hàng không cho vay.
Một khách hàng khác tên T cho biết: “Hai vợ chồng em cũng đến nghe thuyết giảng, thấy công ty IDT bảo là góp vốn đầu tư. Lãi suất rất cao tới 35-55% tùy theo từng giai đoạn và tùy theo gói đầu tư (hạt mắc ca, dự án Happy land ở tận Long An,…). Lãi suất rất cao như vậy thì không biết họ làm cái gì để sinh lời cao thế thì mới trả lãi được người đầu tư theo con số cam kết. Theo em thì các dự án đó chỉ là bình phong lừa mọi người, còn thực chất là nó cho vay nặng lãi, chơi cờ bạc, rửa tiền ở nước ngoài thì mới có lãi suất khủng như thế, chứ sản xuất kinh doanh hợp pháp thì lấy đâu ra có lãi cao thế?”
Theo tìm hiểu của phóng viên nếu một khách hàng đóng tiền vào công ty IDT khoảng 1 tỷ, thì sẽ nhận được những lời có cánh từ Ban giám đốc công ty này là lãi suất cao tới 60% một năm. Tức là nếu khách hàng đóng 1 tỷ vào trong vòng một năm sẽ thành 1,6 tỷ đồng. Với lời hứa lãi suất “ khủng” như vậy, đến nay đã có hàng ngàn khách hàng bỏ tiền đầu tư vào các dự án của công ty IDT trị giá hàng nghìn tỷ đồng.
Trường hợp khách hàng tên M, đóng góp cho công ty này 1 tỷ, sau một năm chị M đến đòi rút hết 1,6 tỷ thì được nhân viên công ty IDT chỉ trả 600 triệu đồng, còn lại 400 triệu tiền gốc và 600 triệu tiền lãi được nhân viên IDT khất lần và giữ lại để mong chị M đầu tư góp vốn tiếp. Sau nhiều lần có việc cần dùng tiền, chị M đến đòi thì vẫn không được thanh toán từ nhân viên công ty IDT.
Theo chị M “Báo cáo tài chính của công ty họ, ngoài kế toán và những sếp có thẩm quyền, thì ngay cả những người trong công ty họ cũng không biết được “Báo cáo tài chính thật”. Báo cáo của các công ty nộp cho Cục thuế thì 100% là báo cáo đã được sửa rất nhiều, để miễn sao phí thuế được thấp nhất. Với Cục thuế còn như vậy, thì tại sao công ty phải đưa cho khách hàng bản báo cáo tài chính thật của họ? Tất nhiên họ sẽ đưa chị 1 bản Báo cáo tài chính giả, trong đó, các con số được thay đổi, để ai nhìn vào cũng thấy là công ty làm ăn tốt, đầu tư hiệu quả, lợi nhuận cao, nếu có lỗ ở 1 mảng nào đó thì con số đó không đáng kể mấy”.
Một khách hàng khác tên L.H chia sẻ: “Lãi suất tiết kiệm của các Ngân hàng hiện nay cho kỳ hạn 12 tháng dao động từ 7% tới dưới 9%/năm, tức là mỗi tháng chưa được tới 1%. Vậy thì tại sao các Công ty đầu tư tài chính IDT không để mức lãi suất gửi tầm 15%/năm, hoặc 17-18%/năm chẳng hạn? Với lãi suất này thì quá đủ để hấp dẫn người gửi rồi, số tiền lợi nhuận đạt được còn lại thì họ để chia chác với nhau có phải lợi cho họ hơn không, hà cớ chi họ phải chi cho khách hàng tới 60%/năm?”
Theo một chuyên gia kinh tế, Ở VN, các Ngân hàng là 1 hệ thống liên kết với nhau. Chẳng hạn nếu khách hàng gửi tiền ở Ngân hàng Ocenbank mà bị phá sản là do nợ xấu, do vấn đề gì đó, thì Nhà nước sẽ cho sát nhập Ngân hàng Ocenbank vào ngân hàng khác, số tiền gửi tiết kiệm của khách hàng tại Ocenbank được giữ nguyên vẹn, không bị mất đi. Còn nếu khách hàng gửi vào công ty đầu tư tài chính như IDT với mức lãi suất khủng như thế. Với vốn điều lệ khi Công ty này vài chục tỷ đồng, đến khi phá sản sẽ khó có khả năng chi trả cho nhiều khách hàng với số tiền hàng ngàn tỷ, điều này rủi ro rất lớn… Lúc đó, sẽ xảy ra phải kiện tụng, đưa ra pháp luật, người chịu thiệt vẫn là nhà đầu tư góp vốn.Thêm vào đó, các dự án mà công ty IDT quảng cáo không biết hiệu quả ra sao? Đầu tư thế nào, triển khai đến đâu? Ai là người đánh giá, kiểm soát? Không hề có bất kỳ thông tin nào về các dự án “bánh vẽ” như vậy, khách hàng rất dễ gặp rủi ro tiền mất, tật mang nếu không tìm hiểu kỹ.
Liên hệ với bà Hải – Giám đốc đào tạo công ty IDT, lấy lý do bận họp nhưng bàị Hải vẫn thông tin ngắn với báo Thời Đại: “Hiện nay, IDT đang bị thanh tra. Tôi khuyên nếu khách hàng có tiền nên đầu tư vào Ngân hàng hay bất động sản, chứ đầu tư vào các công ty tư nhân như IDT rủi ro cao lắm…”
Sáng ngày 27/10, PV báo Thời Đại đã tìm đến trụ sở công ty IDT tìm hiểu thêm thông tin xung quan ý kiến của khách hàng. PV đề nghị được gặp ông Dũng – Phó Tổng giám đốc IDT thì nhận được câu trả lời: “ Tất cả thông tin với báo chí đều do Ban truyền thông của công ty trả lời…”. Phóng viên đề nghị gặp ông Hào – Trưởng ban Truyền thông IDT theo hướng dẫn thì được bạn lễ tân công ty bảo là: “ông Hào đi công tác Tây Bắc chưa biết ngày nào về… đợi đi”. Phóng viên đề nghị cô lễ tân cung cấp số điện thoại, địa chỉ mail để liên lạc với ông Hào thì nhận được câu từ chối… Nhiều lần chúng tôi cũng đã liên hệ, thậm chí đã nhắn tin đặt hẹn với ông ông Phạm Thanh Hải – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc IDT nhưng cũng không nhận được câu trả lời.
Không hiểu có chuyện “thiếu minh bạch” gì ở đây không mà Ban lãnh đạo Công ty IDT lại bất hợp tác tiếp xúc và né tránh báo chí như vậy?
Bài 2: Vạch trần những dự án “bánh vẽ” của Công ty IDT?
NGUỒN INTERNET
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét