Thực hư "hiện tượng thời tiết Equinox" khiến toàn bộ châu Á nóng tới 40 độ C
Thông tin hiện tượng Equinox khiến chúng ta sắp phải chịu đợt nắng nóng lên tới 40 độ C đang khiến nhiều người lo sợ. Vậy sự thực là gì?
Mới đây, nhiều người đang chia sẻ dữ dội một mẩu tin cảnh báo tác hại của hiện tượng có cái tên khá kỳ lạ: Equinox. Nội dung thông điệp như sau.
Mẩu tin này xuất phát từ một thông điệp cũng đang được lan truyền với tốc độ khủng khiếp trên khắp các mạng xã hội trên thế giới. Cụ thể hơn, mẩu tin cảnh báo rằng trong thời gian diễn ra hiện tượng Equinox, Mặt trời sẽ chiếu thẳng vào đường xích đạo, khiến gần như toàn bộ châu Á phải chịu nắng nóng lên tới 40 độ trong vài ngày.
Với nhiệt độ kinh khủng như vậy, Equinox được cho là có thể gây nhiều biến chứng sức khỏe nghiêm trọng cho con người.
Mẩu tin bằng tiếng Anh được cư dân mạng trên thế giới chia sẻ với tốc độ khủng khiếp
Vậy rốt cục, Equinox là hiện tượng như thế nào? Phải chăng nắng nóng kéo dài những ngày gần đây đều là lỗi của hiện tượng này?
Equinox là xuân phân, và nó có khiến nhiệt độ nóng lên
Trong tiếng Anh, Equinox có nghĩa là "điểm phân", là hiện tượng xảy ra khi đường xích đạo của Trái đất đi qua trung tâm của Mặt trời.
Mỗi năm, có 2 lần Equinox xảy ra vào tháng 3 và tháng 9, với tên gọi lần lượt là xuân phân và thu phân. Đây cũng là những thời điểm đánh dấu sự giao mùa của Trái đất.
Trong khoảng thời gian này, nhiệt độ có thể nóng lên, do lúc này bức xạ Mặt trời tăng lên đáng kể.
Nhưng tất cả chỉ là... tin vịt
Sự thực là Equinox có xảy ra, nhưng nó không phải là nguyên nhân có thể khiến cho Trái đất phải chịu những đợt nóng kỷ lục trên 40 độ C trong vài ngày như vậy.
Theo ông B S Thampi - chuyên gia khí tượng tại Ấn Độ thì thông điệp đang được lan truyền là không chính xác. Ông cho biết: "Đúng là thời điểm xuân phân có thể khiến nhiệt độ tăng lên, nhưng đây không phải là nguyên nhân chính. Nắng nóng chủ yếu là vì chúng ta không có mây. Một bầu trời quang đãng không mây sẽ khiến mặt đất phải hứng chịu nhiều bức xạ hơn, và tất nhiên là nóng hơn".
Nóng kỷ lục cũng chẳng liên quan gì đến Equinox
Ngoài ra, Pradeep John, một blogger khoa học nổi tiếng cũng chỉ ra rằng Equinox vốn là một hiện tượng thiên văn xảy ra hàng năm, và nó chẳng ảnh hưởng nhiều đến sự tăng nhiệt độ đột biến cả.
Nhiệt độ tăng vì Equinox chỉ là hiện tượng thường thấy khi thời tiết chuyển từ xuân sang hạ. Theo anh, thứ có thể gây ảnh hưởng mạnh đến nhiệt độ là những cơn bão Mặt trời có cường độ lớn, và El Nino.
Vậy tóm lại, chúng ta cần hiểu được rằng Equinox là một hiện tượng thiên văn thường niên. Dù nó có làm tăng nhiệt độ, nhưng sự tác động này là không hề đáng kể, và chắc chắn hậu quả không thể khủng khiếp như mẩu thông điệp đang được lan truyền mạnh mẽ hiện nay.
Trời nắng nóng cần phải chú ý điều gì
Dù Equinox không phải là nguyên nhân khiến nhiệt độ thời tiết tăng cao, nhưng một số điều kiện thiên nhiên khác có thể biến những ngày đầu hạ trở nên nóng bức hơn bao giờ hết.
Trong những ngày này, các bạn cần chú ý một số điểm sau đây:
- Nắng nóng có thể làm bạn tiêu hao chất điện giải, gây chóng mặt, mệt mỏi. Chú ý uống nước đầy đủ, bổ sung thêm nước dừa hoặc sữa tươi.
- Nên ở trong những nơi râm mát, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh Mặt trời. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, hoặc tiếp xúc với nắng nóng quá lâu có thể gây sốc nhiệt - hiện tượng rất nguy hiểm đối với cơ thể.
- Nếu có việc phải ra ngoài, hãy sử dụng ô, kính râm và bôi kem chống nắng để chống lại tác hại từ tia cực tím.
- Hạn chế mặc đồ bó sát. Chỉ nên mặc đồ mát mẻ, rộng rãi.
- Nên tắm 2 lần/ngày bằng nước mát, nhưng chỉ khi đã khô ráo mồ hôi.
Nguồn: India Express
Cảnh báo Equinox gây xôn xao: ‘Chớ coi thường!’
'Trong 5 ngày tới, bà con nên hạn chế ra ngoài trời từ 12 đến 15 giờ. Nếu bạn nào bị chóng mặt hay buồn nôn và nhất là chảy máu mũi nên đến bệnh viện ngay', dòng cảnh báo đang được chia sẻ trên mạng xã hội.
Những ngày qua, trên mạng xã hội liên tục xuất hiện những bài đăng có nội dung cảnh báo về những chuyển biến xấu của thời tiết, do hiện tượng Equinox gây ra trên toàn châu Á, từ nay cho đến hết ngày 28.4, khiến dư luận xôn xao.
Theo đó, mẩu tin cho hay: “Do sự thay đổi của từ trường, trong 5 ngày tới, bà con hạn chế ra ngoài trời từ 12 giờ đến 15 giờ chiều, nhớ uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả, kiểm tra huyết áp thường xuyên và ở trong nhà. Nếu bạn nào bị chóng mặt hay buồn nôn và nhất là chảy máu mũi thì nên uống nước chanh tươi để hạ sốt, giảm độc tố rồi nhanh chóng đến bệnh viện”.
“Nhất là mấy bạn đi biển nếu đọc được tin này thì nhanh chóng rời khỏi biển và về nhà ngay. Hôm nay mình có đi biển Sầm Sơn, chứng kiến cảnh bạn nữ trúng gió ngất xỉu. Nếu vì công việc hay học tập phải ra ngoài thì các bạn nên đeo 2-3 lớp khẩu trang để đảm bảo an toàn”, mẩu tin đang được lan truyền ghi thêm.
Lời cảnh báo đã gây ra tâm lý lo lắng, hoài nghi trong dư luận. Song qua tìm hiểu, nhiều bạn trẻ phát hiện Equinox không hề đáng sợ, đây là hiện tượng năm nào cũng xuất hiện vào thời điểm giao mùa và không gây tác động nghiêm trọng như miêu tả từ mẩu tin.
Tuy nhiên, chuyên gia khí tượng, thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan (nguyên Phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ) lại không xem nhẹ lời cảnh báo trên. Bà cho rằng mẩu tin trên có cách viết “kích động” song những điều mà nó cung cấp không phải hoàn toàn vô căn cứ, bịa đặt.
“Các nước châu Á nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, cuối tháng 4 là thời điểm chuyển sang kiểu thời tiết mùa hè rất khó chịu. Ngoài ra, sau ngày Xuân phân 22.3, năng lượng mặt trời chiếu sáng lên khu vục châu Á tăng lên mạnh mẽ làm cho mặt đệm (đất, rừng, biển, ao, hồ) nóng lên đáng kể.
Không khí càng nóng, bốc hơi nhiều gây ra sự xáo trộn chuyển động đối lưu mạnh mẽ, hình thành mây. Hơi nước sẽ trở thành hạt nước trong mây làm bầu khí quyển oi bức hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, trong giai đoạn này, nhiệt độ sẽ cao và vẫn có thể cao hơn nữa. Do chịu ảnh hưởng của gió Lào nên sắp tới đây, nhiệt độ của miền Trung có nơi lên đến 40 - 42 độ C”, thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan giải thích.
Về những triệu chứng như giảm huyết áp, nôn ói, ngất xỉu, chảy máu mũi… trong giai đoạn giao mùa, thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan cho biết thêm: “Thời tiết có ảnh hưởng rất lớn đến với sức khỏe con người. Với tình hình nắng nóng như hiện tại, nếu bạn không chú ý đến chế độ dinh dưỡng, chăm uống nước, ăn nhiều hoa quả thì cơ thể sẽ mắc phải đủ thứ bệnh nguy hiểm”.
“Ngoài ra, nguồn không khí, nguồn nước đang ngày càng ô nhiễm cũng là một vấn nạn con người phải đương đầu. Nhiệt độ cao khiến vi trùng, vi rút, ký sinh trùng phát triển khiến thức ăn dễ bị ôi thiu, dẫn đến ngộ độc và nôn ói là điều khó tránh. Đối với những người có bệnh huyết áp, tim mạch nếu không chú ý giữ gìn sức khỏe trong thời gian này, nguy cơ đột quỵ cũng rất cao”, thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan lưu ý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét