Chân dung thầy giáo dạy "Học làm giàu" bị bắt vì… lừa đảo
Thông tin “cha đẻ” của dự án “Học làm giàu” bị bắt khiến các nhà đầu tư rót vốn cả trăm, cả tỷ đồng vào công ty của ông lo lắng. Dư luận hoang mang vì một người chuyên đi dạy thiên hạ làm giàu lại đang bị điều tra vì… làm giàu bất chính.
Ông Phạm Thanh Hải là một doanh nhân, diễn giả có tiếng
Ông tổng giám đốc “mất tích” bí ẩn
Khoảng hơn 3 tháng trước, sau khi xuất hiện những thông tin về sự khuất tất trong việc huy động vốn của Công ty CP Thương mại đầu tư và Phát triển công nghệ Quốc tế (Công ty IDT), nhiều nhà đầu tư đã vội vàng đến trụ sở công ty đòi rút vốn nhưng không được chấp thuận.
Chị M. cho biết, chị góp vốn cho công ty này 1 tỷ với lãi suất 60% năm. Sau một năm, chị đến đòi rút hết 1,6 tỷ cả gốc lẫn lãi thì chỉ được nhân viên công ty IDT trả 600 triệu đồng. Còn lại 400 triệu tiền gốc và 600 triệu tiền lãi thì nhân viên IDT khất lần và giữ lại để mong chị M. đầu tư tiếp. Chị M. đã nhiều lần đến đòi nhưng vẫn không được thanh toán. Tương tự, bà N. đã đầu tư hàng trăm triệu vào dự án của IDT, khi thấy có vấn đề, bà N. đòi rút hết vốn thì cũng không được.
Gặp nhau ở trụ sở của IDT, các nhà đầu tư mới biết, hóa ra có rất nhiều người giống họ, tức là đã góp vốn cả trăm triệu, cả bạc tỷ vào các dự án của IDT nhưng khi đòi vốn, đòi lãi thì đều không được chi trả. Sự hoang mang lo lắng lên cao khi họ phát hiện ra rằng, ông Phạm Thanh Hải – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty đã đột ngột “mất tích.
Phía công ty IDT cũng đột ngột không nhận vốn đầu tư mới của các khách hàng. Trong khi trước đó, công ty này luôn dùng mức lãi suất hấp dẫn từ 30 – 60%/năm – cao gấp rất nhiều lần lãi suất ngân hàng. Thế nhưng nhiều người vẫn nuôi hy vọng rằng, có thể ông Hải vắng mặt do bận đi công tác nước ngoài và số tiền đầu tư của họ vẫn được đảm bảo.
Cho đến ngày 13/1/2016, khi Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46) - Công an TP. Hà Nội xác nhận, ông Phạm Thanh Hải đang bị bắt giữ để điều tra về hai hành vi “Kinh doanh trái phép” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tin tức này khiến các nhà đầu tư như ngồi trên đống lửa. Nhiều nhà đầu tư cho biết, họ chỉ mong thu hồi lại số vốn, còn tiền lãi thì… chẳng dám mơ.
Ông chính là “cha đẻ” của dự án “Học làm giàu”
Con đường từ thầy dạy làm giàu đến vòng lao lý
Theo những gì mà ông Phạm Thanh Hải cho công bố trên website thì ông sinh năm 1966, bảo vệ thành công luận án tiến sỹ tại trường Đại học Tổng hợp Belarus (Minsk, Liên Xô cũ). Ông tự nhận mình là người có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động và làm việc tại Trung tâm Thông tin Khoa học Kỹ thuật Quốc tế (Maxcơva, Liên bang Nga).
Thậm chí ông còn tự xưng là một trong những thành viên sáng lập, ủy viên Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Masan – tập đoàn với những sản phẩm tiêu dùng đã trở nên quen thuộc với người việt như Vinacafe, nước mắm Chin-su, mỳ tôm Omachi, Kokomi... Ngoài ra, ông Hải còn được “quảng bá” là nhà đầu tư, chuyên gia tài chính giàu kinh nghiệm với nhiều ý tưởng kinh doanh sáng tạo, khả năng triển khai và sử dụng đòn bẩy tài chính để làm giàu một cách hiệu quả.
Không chỉ xây dựng cho mình hình ảnh một người từng làm khoa học, một doanh nhân thành đạt, ông Hải còn được biết đến như một diễn giả có tiếng. Ông chính là “cha đẻ” của dự án “Học làm giàu” – một trong những dự án nổi đình nổi đám của IDT.
Trong các tọa đàm, khóa học dạy làm giàu, trước mặt hàng trăm học viên, ông Hải nhiều lần tâm sự, trước đây ông không quan tâm đến vấn đề làm giàu vì ông là nhà khoa học. Sau một thời gian ngẫu nhiên tham gia vào các hoạt động kinh doanh, với những thành công và cả những thất bại, ông đã nghiên cứu, tìm hiểu và thấy rằng làm giàu cũng cần phải học. Nếu được học cách làm giàu, thì con đường đi tới thành công, trở thành người giàu có sẽ bớt khó khăn, tốn ít thời gian hơn.
Ông nói: “Tôi đi nhiều nơi hơn, gặp gỡ nhiều người hơn, trải nghiệm nhiều hơn. Quan sát, đánh giá và lý giải mọi hiện tượng với con mắt khoa học, tôi nhận ra rằng: Tất cả những người giàu chân chính trên thế giới đều làm theo một cách nhất định nào đó, nghĩa là phải tồn tại một môn khoa học chính xác trong lĩnh vực làm giàu”.
Ông nhấn mạnh rằng, với những kiến thức đã được thực chứng bằng sự trải nghiệm của bản thân và cả những bài học đã học được từ những người thành công, ông lập dự án “Học làm giàu”. Bằng tài ăn nói hoạt bát, lối dẫn dắt thu hút người nghe và bản lý lịch “hoành tráng”, ông Hải đã gieo rắc vào đầu các thành viên một tư tưởng rằng: Nếu được học một cách bài bản thì sẽ được ông Hải trao cho “công thức làm giàu” và từ đó sẽ nhanh chóng phát tài.
Các khóa của “Học làm giàu” có giá từ 500 nghìn đồng đến hơn chục triệu đồng. Bất kỳ lứa tuổi nào, thành phần nào cũng đều có thể đăng ký học. Còn muốn trở thành thành viên của mạng lưới “Học làm giàu” thì chỉ cần một vài cú click chuột là đã hoàn thành các bước đăng ký.
Ông Hải từng đề cấp đến cách thức giúp thành viên của “Học làm giàu” có thu nhập vài triệu đồng cho đến vài chục triệu một tháng là chương trình cộng tác viên (CTV). Cụ thể, các CTV có nhiệm vụ phát triển thành viên miễn phí cho “Học làm giàu”. CTV sẽ nhận được khoảng 3.000 đồng khi “lôi kéo” được 1 thành viên mới (xác thực tham gia bằng email và tin nhắn điện thoại). CTV có năng lực sẽ được bồi dưỡng, đào tạo để trở thành trưởng nhóm. Mỗi trưởng nhóm quản lý từ 5 - 30 CTV và được hưởng thêm 500 đồng khi CTV nhóm mình lôi kéo được thêm thành viên mới. Nói một cách chân thực, mô hình này chính là kinh doanh đa cấp.
Nếu được học một cách bài bản thì sẽ được ông Hải trao cho “công thức làm giàu” và từ đó sẽ nhanh chóng phát tài.
Tuy nhiên phải thấy rằng ông Hải đã rất thông minh khi tung ra một dự án đánh trúng vào tâm lý mong muốn giàu có của tất cả mọi người. Có lẽ vì thế mà dù có nhiều ý kiến nghi ngại về mô hình kinh doanh của “Học làm giàu” thì hàng ngày vẫn có cả trăm, cả ngàn người đăng ký trở thành thành viên của mạng lưới. Đến nay, cộng đồng “Học làm giàu” đã rất đông đảo với hơn 400 nghìn thành viên. Và hàng ngày vẫn có rất nhiều người tham gia các khóa học để nghe các diễn giả dạy làm giàu bằng… nước bọt.
Việc ông Hải bị bắt đã khiến rất nhiều người trong cộng đồng này nói riêng và dư luận nói chung hoang mang. Không hoang mang sao được khi mà một người chuyên đi dạy thiên hạ làm giàu lại đang bị điều tra vì có hành vi làm giàu phạm pháp!
Siêu phẩm “bánh vẽ” về “hạt mắc ca tỷ đô”
Ngoài “Học làm giàu”, ông Hải và IDT còn từng nổi đình nổi đám với dự án “Mắc ca tỷ đô”. Thời điểm đó, ông Phạm Thanh Hải cho biết, mắc ca sẽ được trồng trên diện tích gần 4.000 ha ở tỉnh Điện Biên với tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng. Dự tính tổng doanh thu trong 20 năm của dự án là 2.595 tỷ đồng.
Dự án này lại một lần nữa thể hiện sự thông minh của ông Hải. Bởi thời điểm đó, cây mắc ca có giá trị kinh tế rất cao mới được biết đến ở Việt Nam và việc phát triển loại cây này đang là đề tài nóng được dư luận quan tâm. Vậy nên ngay sau khi IDT kêu gọi, đã có rất đông người rót vốn vào dự án.
Thế nhưng bất ngờ là đến tháng 4/2015, Bộ NN-PTNT đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, khẳng định chưa đủ căn cứ khoa học để phê duyệt quy hoạch cây mắc ca. Điều đó chứng tỏ, việc Công ty IDT huy động vốn nhiều tỷ đồng từ các nhà đầu tư để trồng 4.000ha mắc ca là hoàn toàn không có cơ sở. Như vậy, ông Hải cùng IDT đã tạo ra “siêu phẩm bánh vẽ” mang tên “mắc ca tỷ đô” và đến nay số tiền huy động cho dự án này đã đi đâu vẫn còn là ẩn số.
Người thân “chạy án” bất thànhSau khi ông Phạm Thanh Hải bị khởi tố, bắt giam, bà Lê Thị Hải Yến (vợ ông Hải) và Phạm Minh N. (em gái ông Hải) thông qua các mối quan hệ xã hội đã tìm đến Tô Văn Tập (43 tuổi, trú khu đô thị Trung Hòa, Nhân Chính, quận Thanh Xuân) để nhờ giúp đỡ.Tập mạo danh là con một lãnh đạo cao cấp có khả năng xin tại ngoại cho ông Hải. Tập yêu cầu bà Yến và bà N. phải mua điện thoại Vertu trị giá gần 700 triệu đồng, 300.000 USD để xin tại ngoại cho ông Hải cùng các món quà biếu khác trị giá hàng trăm triệu đồng đưa cho Tập lo việc. Ngày 6/11, tại khu vực Cung Văn hóa Hữu Nghị, khi Tập đang nhận số tiền 600 triệu đồng từ bà N. thì bị công an bắt quả tang.
Vì sao ông chủ Học làm giàu bị bắt phục vụ điều tra?
Những thông tin liên quan đến việc ông Phạm Thanh Hải - Chủ tịch Công ty cổ phần Thương mại, Đầu tư và Phát triển Công nghệ Quốc tế (IDT) bị bắt để phục vụ điều tra thời gian qua đã gây chú ý trong dư luận.
Theo cơ quan chức năng, ông Hải bị điều tra vì hành vi "kinh doanh trái phép” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, khiến nhiều nhà đầu tư đã góp vốn vào các dự án của đơn vị này như ngồi trên đống lửa.
Trước đó, vị này được biết đến là ông chủ, đồng thời có vai trò huấn luyện viên, chuyên gia trong các khóa Học làm giàu từng thu hút đông đảo học viên ở nhiều lứa tuổi tham gia.
Ông Phạm Thanh Hải, sinh năm 1966. Theo website của IDT – nơi ông giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, ông Hải bảo vệ Tiến sỹ tại trường Đại học Tổng hợp Belarus (Liên Xô cũ) từ năm 1994. Cũng theo đó, ông có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động và làm việc tại Trung tâm Thông tin khoa học kỹ thuật quốc tế (Nga).
IDT được ông Hải đứng ra thành lập từ tháng 3/2007 với ngành nghề khá đa dạng, gồm lĩnh vực đào tạo và công nghệ, bất động sản.... Tại đây, ông giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT và từ năm 2010 thì kiêm luôn chức Tổng giám đốc.
Ông Hải được nhiều người biết đến với việc thành lập dự án Học làm giàu cuối năm 2009. Theo lời giới thiệu tại một buổi trò chuyện, Học làm giàu ra đời với mục đích "hướng dẫn học viên về cách thức làm giàu một cách hiệu quả, khoa học". Dự án bao gồm việc tổ chức các hội thảo, khóa học online và offline liên quan đến phát triển bản thân, kinh doanh, làm giàu của các diễn giả. Bên cạnh đó, theo ông Hải, dự án còn tập trung chia sẻ cơ hội hợp tác, đầu tư, hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh cho học viên.
"Chúng tôi đưa ra những giải pháp để giúp học viên không chỉ học lý thuyết suông mà có những công việc cụ thể để thực hành và kiếm tiền. IDT cũng có quỹ đầu tư liên kết với nhiều đơn vị, học viên có những ý tưởng, kế hoạch kinh doanh để trình bày và sẽ được đầu tư vốn, hỗ trợ về tài chính", ông từng chia sẻ tại một buổi trò chuyện.
Trong lĩnh vực đào tạo, đơn vị này còn triển khai dự án giảng dạy khác với tên gọi Money Rain với triết lý kinh doanh “tạo mưa tiền" thông qua việc tổ chức các buổi hội thảo cao cấp với việc mời các nhà triệu phú, doanh nhân của thế giới... "IDT cam kết tạo ra, hỗ trợ và kết nối thành công cộng đồng 10.000 doanh nhân triệu đô của Việt Nam", website của dự án này giới thiệu.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực giáo dục - công nghệ, IDT cũng góp vốn vào Đại học Thành Tây, mạng xã hội truongxua.vn... Công ty này còn rót vốn thành lập Công ty cổ phần Trung tâm giải pháp Archibus Việt Nam - đơn vị từng được biết đến là đơn vị đưa nhầm "tỷ phú Forbes" tới Việt Nam vào năm 2013. Khi đó, đơn vị này quảng cáo một thành viên của gia đình Forbes sẽ tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và đã gây được sự chú ý của giới truyền thông. Tuy nhiên, sau khi có nhiều nghi vấn đặt ra, Archibus Việt Nam thừa nhận giới thiệu "nhầm" danh tính nhân vật này do lỗi dịch thuật.
Bên cạnh đào tạo, IDT cũng đầu tư khá mạnh vào lĩnh vực bất động sản thông qua các dự án do Công ty Reenco Hòa Bình làm chủ đầu tư. Giám đốc của công ty này cũng chính là Phó tổng giám đốc IDT. Tuy nhiên, những thông tin về các dự án bất động sản này như Tây Thăng Long, Đông Trường Sơn... đều khá hiếm hoi, hầu như chỉ được đề cập đến trên website của 2 đơn vị này. Cuối năm 2014, IDT còn đầu tư thành lập Công ty Dịch vụ Bất động sản Đỉnh Cao Mới (NewPeaks) hoạt động trong lĩnh vực môi giới, tiếp thị bất động sản.
Gần đây, IDT được biết đến nhiều hơn thông qua dự án trồng cây "tỷ đô" mắc ca. Cuối năm 2010, đơn vị này thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Macadamia Quốc tế nhằm đầu tư, phát triển mặt hàng này ở tất cả các khâu gồm khâu giống, trồng, thu hoạch, sơ chế, tinh chế, thị trường trong nước và quốc tế.
IDT quảng cáo mục tiêu của dự án là trồng 3.400 ha rừng trồng, trong đó có 1.000 ha cây mắc ca và một số loại cây quý hiếm khác. "Tổng doanh thu trong chu kỳ kinh doanh 20 năm của dự án là 2.595 tỷ đồng. Dự án được thực hiện trong 50 năm", website của doanh nghiệp giới thiệu.
Các tài liệu của đơn vị này đều đưa ra những lời quảng cáo rất hấp dẫn.Với giá bán như hiện nay, một hecta mắc ca có thể mang tới thu nhập 2.000-3.000 USD cho người nông dân, tức khoảng 15 USD mỗi kg. Trong sản xuất thức ăn, giá trị có thể gấp 3 lần và trong sản xuất mỹ phẩm, giá trị sẽ tăng lên 20 lần, tương đương với 280 USD mỗi kg.
Mục đích của việc quảng cáo cho những dự án này của IDT đều là nhằm huy động vốn của các nhà đầu tư. Trong các chương trình giảng dạy, đào tạo các khóa Học làm giàu, IDT đều đưa ra các dự án trong lĩnh vực bất động sản, giáo dục và mắc ca để kêu gọi các cộng tác viên đầu tư góp vốn.
Bên cạnh việc quảng cáo về tiềm năng của các dự án, đơn vị này còn trả lãi suất rất cao với các nhà đầu tư, dao động từ 30 đến 60% mỗi năm. Theo đó, nếu họ bỏ tiền góp vốn vào công ty IDT với trị giá 100 triệu thì sau một năm số tiền đó được hứa đó sẽ thành 160 triệu đồng. Do vậy, rất nhiều người không chỉ ở các thành phố lớn mà tại ở các địa phương cũng đầu tư vào các dự án tại đây theo hình thức ký hợp đồng ủy thác đầu tư. Đơn vị này cũng áp dụng chính sách trích hoa hồng cho những nhà môi giới đầu tư.
Gần đây, một số hợp đồng đã bị quá hạn thanh toán, các nhà đầu tư nhiều lần liên lạc với ông Hải cũng như phía IDT để lấy tiền theo như cam kết nhưng bất thành. Nhiều người lo ngại về nguy cơ mất trắng số tiền hàng tỷ đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét