Bộ Tài nguyên: Thuỷ triều đỏ và độc tố hoá học gây cá chết hàng loạt
Thông báo chưa có bằng chứng kết luận Formosa liên quan cá chết hàng loạt, Bộ Tài nguyên cho biết độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và tảo nở hoa là hai nguyên nhân được khoanh vùng.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân. Ảnh: Giang Huy.
|
Họp báo công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt diễn ra lúc 20h tối 27/4 tại trụ sở Bộ Tài nguyên Môi trường (Hà Nội).
Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, để truy tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt ở dải ven biển miền Trung, lần đầu tiên liên bộ Tài nguyên, Nông nghiệp, Công Thương..., 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và nhiều nhà khoa học từ các viện nghiên cứu hàng đầu đã phối hợp điều tra. Chiều 27/4, cuộc họp đầu tiên giữa các bên cũng có sự tham gia của nhà khoa học đến từ Tokyo, Nhật Bản.
"Vấn đề rất phức tạp, xảy ra nhiều nơi trên thế giới, người dân cần biết nguyên nhân là yêu cầu chính đáng, song cần có thời gian kiểm tra, kiểm nghiệm để đưa ra kết quả chính xác. Có trường hợp phải mất nhiều năm để tìm nguyên nhân", ông nói và cho rằng trong bối cảnh hiện nay, mỗi công dân có trách nhiệm đồng hành cùng cơ quan nhà nước.
Nhà chức trách chưa tìm ra mối liên hệ giữa Formosa và hiện tượng cá chết trên biển. Ảnh:Đức Hùng.
|
Theo Thứ trưởng, các nhà khoa học, nhà quản lý cùng thảo luận, phân tích kết quả nghiên cứu những ngày qua, đưa ra nhiều ý kiến xác đáng. Sau khi loại trừ nhiều yếu tố, tất cả đi đến thống nhất nhận định sơ bộ có hai nhóm nguyên nhân chính có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt:
Một là do tác động của độc tố hoá học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển. Hai là do hiện tượng dị thường của tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa mà trên thế giới gọi là thủy triều đỏ.
"Chưa có bằng chứng kết luận mối liên hệ của Formosa đến cá chết hàng loạt. Số liệu quan trắc cho thấy các thông số môi trường chưa vượt chuẩn quy định", ông Nhân nói thêm.
Để xác định cụ thể nguồn cơn hiện tượng cá chết hàng loạt và có giải pháp ứng phó lâu dài, ông Nhân cho rằng cần tổ chức nghiên cứu làm rõ hai nhóm nguyên nhân trên. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chủ trì huy động và điều phối các cơ quan nghiên cứu khoa học, kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế để kiểm chứng nếu cần.
Trong thời gian sớm nhất, Bộ Nông nghiệp sẽ cung cấp kết quả phân tích độc tố, đưa ra khuyến cáo về hoạt động đánh bắt, nuôi trồng và tiêu thụ thủy sản. Các địa phương tổ chức quan trắc chất lượng nước ven bờ có khuyến cáo về các hoạt động du lịch, tắm biển.
Cuộc họp kết thúc sau 7 phút mà không giải đáp thêm bất cứ nội dung nào.
Trả lời báo chí bên hành lang, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, quan điểm của Bộ là không chấp nhận đánh đổi tăng trưởng kinh tế mà hủy hoại môi trường. "Sắp tới chúng tôi tiếp tục kiểm tra, điều tra, khảo sát, nếu phát hiện cơ sở nào sản xuất gây ô nhiễm sẽ xử lý nghiêm".
Phòng họp 200 m2 có hàng trăm phóng viên tham dự. Ảnh: Giang Huy.
|
Trước đó từ 14h chiều, đại diện của 7 bộ gồm: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Y tế, Công an, Quốc phòng cùng Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, lãnh đạo 4 tỉnh ven biển đã có cuộc họp kín kéo dài 5 tiếng. Nhiều người dân hy vọng nhà chức trách sớm đưa ra kết luận về nguyên nhân cá chết để giảm bớt sự hoang mang.
Từ đầu tháng 4, cá nuôi lồng bè của người dân gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đồng loạt chết. Hiện tượng này sau đó lan dọc hơn 200 km bờ biển từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tới Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Thống kê đến ngày 25/4, bốn tỉnh ven biển phát hiện gần 70 tấn cá tự nhiên chết dạt bờ.
Ngày 24/4, những nguyên nhân bệnh dịch, động đất, tràn dầu bị loại trừ.
Tảo biển dạt bờ ở thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng
|
Các mũi điều tra khẳng định có độc tố rất mạnh từ môi trường tự nhiên, tuy nhiên, độc tố đó là gì thì chưa được xác định. Mọi nghi vấn dồn về Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Khu công nghiệp Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) do Công ty này có đường ống xả thải ngầm dưới biển, gần đây lại nhập hàng trăm tấn hóa chất độc hại về sử dụng.
Giữa làn sóng nghi vấn, phát ngôn thật lòng của Phó phòng đối ngoại Formosa Hà Tĩnh Chu Xuân Phàm "nhiều khi phải lựa chọn giữa cá và nhà máy thép" khiến dư luận dậy sóng và Ban lãnh đạo Công ty phải tổ chức xin lỗi.
Thuỷ triều đỏ nguy hiểm thế nào?
Ngày 27/4, trước việc một số nơi ngư dân thu mua cá chết, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký công điện yêu cầu UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế chỉ đạo cơ quan chức năng thu gom, xử lý hết, kịp thời số lượng thủy, hải sản chết (bao gồm thủy, hải sản nuôi trồng và tự nhiên) bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường. Phó thủ tướng nghiêm cấm tiêu thụ, thu gom, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng thủy, hải sản chết làm thực phẩm cho người và thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn các tỉnh thực hiện ngay công tác thanh kiểm tra những mặt hàng thủy, hải sản dùng làm thực phẩm cho người, nguyên liệu thức ăn cho gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn thực phẩm.
|
Nhóm phóng viên
Những vụ cá chết hàng loạt trên thế giới
Thủy triều đỏ do tảo nở hoa, hiện tượng thời tiết như El Nino, bão và hóa chất độc hại được cho là thủ phạm đứng sau nhiều đợt cá chết hàng loạt.
Thủy triều đỏ, hay còn gọi là tảo nở hoa, là hiện tượng quá nhiều tảo sinh sản với số lượng nhanh trong nước. Tảo ở cửa sông, biển, hoặc nước ngọt tích tụ thường khiến mặt nước đục hoặc chuyển màu tím, hồng, xanh, đỏ hoặc nâu.
Trong ảnh, thủy triều đỏ do loài sinh vật tên Karenia brevis gây ra ở Florida, Mỹ, vào tháng 8/2014. Đợt thủy triều đỏ này diễn ra trên khu vực dài 145 km, rộng 96 km. Ảnh: Space Coast Daily.
Khoảng 4.000 tấn cá mòi chết và thối rữa dạt vào lòng sông Queule, Chile vào trung tuần tháng 4 vừa qua. Ở nhiều nơi, xác cá chất cao tới một mét. Nguyên nhân được quy cho hiện tượng thủy triều đỏ. Ảnh: The Armageddon Times.
Hơn 70.000 tấn cá chết ở khu vực sông Magdalena, Columbia hôm 23/4. Nguyên nhân được cho là do mực oxy hạ xuống thấp sau bão lớn, gây thiếu dưỡng khí cho cá. Ảnh: NC Radio.
Cuối tháng trước, biển cá chết làm tắc những đường dẫn nước trên phạm vi hàng chục km ở Florida, Mỹ. Hàng trăm nghìn con cá chết hàng loạt xếp kín bãi biển, phủ khắp các phụ lưu và cửa sông thuộc hệ sinh thái Phá sông Indian của bang. Các chuyên gia cho rằng vụ việc do một số nhân tố gây ra. Những cơn mưa nặng hạt thường xuyên trút xuống khu vực do hiện tượng El Nino cuốn trôi phân bón và chất gây ô nhiễm xuống nước khiến cá chết. Ngoài ra, nhiệt độ mùa đông ấm hơn bình thường góp phần thúc đẩy quá trình tảo độc phát triển, dẫn đến thủy triều nâu, làm giảm lượng oxy trong nước. Ảnh: International Business Times.
Theo Science World Report, cái chết của 829 con lợn biển ở Florida vào năm 2013 được ghi nhận là do thủy triều đỏ gây ra. Những con lợn này chết sau khi ăn cỏ biển nhiễm độc tố từ tảo. Ảnh: Reuters.
Cá mòi dầu chết hàng loạt ở vịnh Greenwich, Rhode Island, Mỹ, vào tháng 8/2013 do tảo bùng nổ, làm cạn khí oxy trong nước. Ảnh: Chris Deacutis.
Tảo màu xanh lá nở ở hồ nước ngọt lớn thứ 5 của Trung Quốc tại tỉnh An Huy, dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt vào tháng 5/2010. Ảnh: Anhui News.
Tháng 1/2012, sông Long Giang ở Quảng Tây, Trung Quốc bị nhiễm độc chất cadmium. Theo Xinhua, vụ thải chất độc này do công ty khai thác mỏ Duyên Hà ở Hà Trì gây ra.
Ước tính hơn 40 tấn cá chết từ ngày 15/1- 2/2 trong phạm vi thành phố. Lượng cadmium bị thải ra sông được ước tính gấp 80 lần mức cho phép. Vụ nhiễm độc kéo dài hơn 100 km dọc theo sông Long Giang và chính quyền mất hai tuần để xử lý. Ảnh: China Daily.
Tháng 7/2013, thủy triều đỏ gây ra do tảo nâu khiến 80 tấn cá chết trôi dạt vào vùng bờ biển phía nam bang Mississippi, Mỹ. Ảnh: Examiner.
Cá chết dồn đống gần Trung tâm Giải trí Bãi biển St. Pete ở vịnh Boca Ciega, Florida, Mỹ, vào tháng 12/2015. Nguyên nhân là do thủy triều đỏ làm cá chết ngạt. Ảnh: Sun Coast News.
Phương Hoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét