Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

‘Học đại học để làm gì’ - Tâm sự của chàng trai 8x khiến nhiều người trẻ suy ngẫm

‘Học đại học để làm gì’ - Tâm sự của chàng trai 8x khiến nhiều người trẻ suy ngẫm

Quan điểm cá nhân của Lê Hải Sơn - một người trẻ đang làm thiết kế và marketingvề việc học đại học nhận được nhiều ý kiến đa chiều.
Lê Sơn sinh năm 1987, quê Thanh Hóa hiện đang làm kinh doanh trong lĩnh vực thiết kế và marketing.
Mới đây bài viết trên Facebook cá nhân của anh về chuyện "học đại học để làm gì?" nhận được nhiều chia sẻ của cộng đồng mạng.
Theo như cá nhân Lê Sơn, nhiều bạn học đại học chỉ để… giống như bao người bình thường khác chứ không hề có mục đích cho cuộc đời mình. Thậm chí gia đình anh cũng đã tính dồn hết tiền tiết kiệm và vay thêm họ hàng để xin việc cho Lê Sơn với mức lương hơn 3 triệu/tháng. 
Nhưng cậu đã gạt ngay đề nghị này vì cho rằng đây là "sự đầu tư cực kỳ sai lầm". Lê Sơn thừa nhận thời sinh viên của bản thân đã phí phạm cả trăm triệu vì đi học chuyên ngành mà "chẳng có tương lai gì với cá nhân nhưng vẫn đi học".
sinh viên thất nghiệp, thất nghiệp
Chia sẻ gây sốt của Lê Hải Sơn trên Facebook cá nhân. (Ảnh chụp lại từ màn hình).
Nói như vậy không phải khuyên các bạn đừng đi học đại học nhưng theo Sơn mỗi cá nhân nên suy nghĩ, định hướng kỹ nghề nghiệp của bản thân, đừng nghĩ tới chuyện may rủi khi ra trường.
Bài viết trên trang Facebook cá nhân của Sơn về chuyện "học đại học để làm gì?" hiện đã nhận hơn 11.000 lượt thích và hơn 1300 bình luận, hàng nghìn lượt chia sẻ.
Chia sẻ với VietNamNet, Sơn cho hay: "Lý do chính khi có tâm sự này là do bản thân trước đây đã không xác định rõ ràng khi vào ĐH. Thêm nữa hồi đó ở quê khá lạc hậu, các thông tin cũng được cập nhật như bây giờ. Mình lúc đó chỉ nghĩ sao đi học ĐH, được ra thủ đô là nghĩ sẽ có cơ hội.
Và hiện tại, mình thấy nhiều bạn, nhiều em xung quanh mình đi học không có mục đích gì - chỉ đơn giản là không phải ở quê, hoặc bố mẹ đỡ xấu hổ vì mình cũng đỗ ĐH".
Bên cạnh đó, một số ý kiến trái chiều cho rằng từ xưa tới nay, học hết cấp nhỏ, lên cấp lớn hơn đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người, chưa kể tới việc khi ở ngưỡng 17, 18 tuổi bạn chưa thể suy nghĩ sâu sắc như hiện tại.
Trước ý kiến này, Sơn cho rằng: "Đúng là tầm tuổi 17-18 chưa thể suy nghĩ chín chắn được. Nhưng sự tác động định hướng của gia đình lúc này là yếu tố rất quan trọng. Như bài viết của mình đã đề cập, mình không nói là không nên học ĐH, rất nhiều người đã thành tài và gây dựng được sự nghiệp to lớn từ tấm bằng. Ý mình ở đây chỉ dám gói gọn trọng việc xác định và định hình nghề nghiệp cho bản thân mà thôi".
Nội dung tâm sự của Lê Sơn.
Học đại học để làm gì?
Đây cũng là câu hỏi mà sau khi ra trường hơn 5 năm rồi tôi vẫn chưa tự trả lời được cho bản thân mình. Tôi tốt nghiệp đại học chính quy 1 trường khá nổi tiếng ở HN. Sau khi ra trường, tôi đã về quê ít tháng chứ không xin đi làm ngay, về để có thời gian định hình lại rằng tôi sẽ làm gì, làm như thế nào và ở đâu? Thật sự thời gian này tôi bị mất phương hướng, tôi không biết sẽ làm gì dù cầm tấm bằng loại khá đỏ chót trên tay. Nếu lựa chọn giữa việc an phận theo ngành mình học, tôi sẽ có cuộc sống đều đều nhàm chán cả về công việc lẫn tiền bạc, còn chấp nhận ném bỏ tấm bằng đó đi? Liệu tôi có đủ can đảm? Bạn có đủ can đảm?
Thấy tôi vò đầu bứt tai, bố mẹ tôi ban đầu động viên tôi lắm nhưng dần dần cũng tỏ ra sốt ruột khi tôi ra trường được nửa năm mà tôi chưa có ý định đi làm. Bố mẹ tôi đã định dồn hết tiền tiết kiệm và vay thêm họ hàng để “xin” việc cho tôi ở quê, một công việc lương khoảng hơn 3 triệu/tháng khi mới vào. Tôi đã gạt ngay đề nghị đó và tính toán cho bố mẹ tôi hiểu rằng bỏ ra hàng trăm triệu để xin được việc lương hơn 3 triệu là điều không hợp lý chút nào. Tính ra tôi sẽ mất gần chục năm không ăn uống, không chi tiêu thì mới hoàn lại được số tiền đó.
sinh viên thất nghiệp, thất nghiệp
Lê Sơn
Theo tôi nó là 1 sự đầu tư cực kỳ sai lầm mà rất nhiều các bác, các mẹ ở quê đã chạy việc cho con cái của họ theo cách như vậy, tất cả cũng chỉ vì cái “danh” rằng con mình ra trường đã có việc làm hoặc muốn cho con cái mình được "ổn định" có công có việc như bao người. Tất nhiên suy nghĩ và quan điểm này của tôi sẽ không áp dụng được với các gia đình có điều kiện, coi công việc chỉ đơn thuần là “công việc” mà không bị gánh nặng về tiền bạc.
Quay trở lại thời còn là sinh viên. Tôi đã tiêu phí phạm hàng trăm triệu trong 4 năm đi học, tôi học cái chuyên ngành mà tôi chẳng nghĩ là nó có tương lai gì đối với cá nhân tôi, nhưng tôi vẫn đi học, vì dù sao tốt nghiệp cấp 3 xong và đỗ đại học cũng là bước ngoặt của mỗi đời người, tuy rất đáng trân trọng nhưng sau này tôi mới thấy đó thật sự sai lầm.
Những gì tôi học được nó lại không thật sự phù hợp với các công việc mà tôi đam mê, thực sự theo đuổi. 4 năm đi học, nếm đủ vui buồn, đắng cay của cuộc sống sinh viên tỉnh lẻ xa nhà, nếp nhăn vất vả của bố mẹ tôi xuất hiện rất nhiều chỉ vì bốn chữ "được là sinh viên" của tôi. 
Suy cho cùng, tấm bằng đại học nó chẳng có trách nhiệm gì với bạn cả. Nó không phải là tấm vé lên “chuyến bay vinh quang”. Nó chỉ chứng minh bạn là một con người bình thường như bao người như bao người khác! Nếu bạn không có đam mê hoặc không có cơ sở để sử dụng nó, hãy cất nó đi hoặc treo lên như 1 bức tranh kỷ niệm.
Tôi nói vậy không phải là khuyên các bạn đừng đi học đại học. Mà muốn nói với các bạn rằng hãy chọn nghề thật kỹ, học gì? Sau này ra trường có hướng đi tiếp theo hay không? Đừng nghĩ tới chuyện may rủi rằng ra trường biết đâu xin được việc, vì cuộc đời không bao giờ có chuyện “giá như”.
Nếu ngay từ đầu các bạn có định hướng khác, kinh doanh, buôn bán hoặc làm bất cứ gì ra tiền mà không phạm pháp thì bạn hãy cân nhắc việc đi học đại học hay không, vì cho cùng, học đại học cũng chỉ để có công việc và có tiền nuôi sống bản thân, báo hiếu gia đình, vậy thì tại sao phải tốn thêm 3-4 thậm chí 5-6 năm để đi học đại học mà ngay bây giờ các bạn có thể làm được điều đó? 
Nếu được chọn lựa lại, tôi sẽ đi học thiết kế ngay từ đầu chứ không phải học xong đại học mới học tiếp như thế này, một công việc đúng với đam mê và sở thích của tôi, tôi tin với số tiền tôi tiêu trong 4 năm học đó nếu dùng vào việc đầu tư đúng chuyên ngành của tôi thì chắc giờ tôi đã khác rất nhiều.
Đời người ngắn lắm. Tại sao cứ phải đi theo lối mòn cơ chứ? Mạnh mẽ lên, hãy đi theo con đường mình đã chọn và về đích nhanh nhất. Hãy luôn luôn tin vào bản thân mình. Quan trọng nhất: Hãy làm những việc đúng với đam mê, đam mê nhưng không hão huyền...
Hi vọng những chia sẻ trên sẽ giúp các bạn định hình được thực sự mình muốn gì và cần gì? 
Chúc các bạn thành công và định hướng được cuộc sống của mình ngay từ bây giờ để không phải bỏ lỡ nhiều cơ hội giống như tôi.

Vào Đại học để được điều gì???


Vào được đại học là ước mơ của nhiều người. Thế nhưng liệu 4 năm đại học có giúp chúng ta trở thành tỷ phú như Bill Gates hay thiên tài như Albert Einstein? Dưới đây là 5 điều mà bậc học đại học thực sự mang lại cho bạn.



Mối quan hệ

Đại học cho chúng ta nhiều mối quan hệ quan trọng cho cả cuộc đời và sự nghiệp sau này. Không chỉ riêng ở trong trường đại học, bạn sẽ còn quen nhiều người ở bên ngoài cổng trường. Và nếu may mắn, bạn sẽ quen với một người dễ thương và có trong tay một thứ mà người ta thường gọi là “mảnh tình văt vai thời sinh viên”.

Lời khuyên dành cho bạn là hãy trân trọng các mối quan hệ đại học. Đừng bỏ phí những mối quan hệ này vì sẽ có lúc bạn cần đến những người bạn đó.



Ăn chơi

Khi còn là một thanh niên ở quê, bạn chẳng biết nhiều tới các quán bar hay phòng karaoke. Thậm chí xem phim ở rạp cũng là một điều xa xỉ. Nhưng khi vào đại học, quán nhậu sẽ là nơi bạn thường lui tới, karaoke sẽ là nơi bạn thư giãn họp mặt bạn bè và rạp chiếu phim sẽ là nơi bạn đưa người yêu đến.

Không chỉ vậy, gu thời trang của bạn cũng thay đổi rất nhiều kể từ khi trở thành sinh viên. Thật khó có ai giữ được lối sống thuần khiết quê nhà khi gần như tất cả bạn cùng phòng của mình đều đã thay đổi.

Hãy chấp nhận nó và học cách quen dần với cuộc sống mới. Nhập gia tùy tục. Bạn khó mà sống được ở đấi Sài Gòn này nếu bạn không hòa nhập được với nó.



Kỹ năng tự học

Đại Học được định nghĩa vui là Học Đại, tức là học sao cũng được. Giảng viên đôi khi cũng chẳng hiểu hết vấn đề mình đang nói. Sinh viên phải tự tìm hiểu và nghiên cứu để vượt qua các kì thi giữa kỳ và cuối kỳ.

Ngoài kiến thức thi cử, bạn sẽ còn tự học được rất nhiều điều trong cuộc sống thông qua những công việc bán thời gian, thông qua các mối quan hệ, thông qua những buổi giao lưu, hội thảo, và đôi khi cả ở các tổ chức tôn giáo như chùa chiền hoặc nhà thờ (nếu bạn là một người có tín ngưỡng).

Kỹ năng này sẽ đi theo bạn suốt cả cuộc đời, không chỉ riêng thời đại học. Do đó hãy sáng tạo và rèn giũa phương pháp tự học của riêng mình.



Trải nghiệm đau khổ

Bị lừa tình, bị gạ gẫm, bị gạt tiền là những thứ bạn có thể sẽ vướng phải ở thời sinh viên. Mọi thứ sẽ rất khó khăn nếu bạn chẳng may rơi vào những tình cảnh đó. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng để rồi gục ngã và đánh mất bản thân. Bạn không phải là người duy nhất chịu những đau khổ đó.

Những cuộc đời khó khăn nhất lại chính là những cuộc đời dạy chúng ta những bài học tuyệt vời nhất. Hãy nghĩ về những trải nghiệm đau đớn đó, và rút ra cho mình bài học. Đời sinh viên có thể bạn chỉ bị mất vài trăm ngàn hay vài triệu đồng, nhưng nếu bạn lặp lại lỗi lầm đó lúc đi làm, bạn có thể mất cả sự nghiệp trong vài giây.



Kiến thức

Nhiều người nghĩ rằng kiến thức đáng ra là thứ quan trọng nhất mà đại học mang lại. Nhưng riêng tôi thì lại muốn đặt nó ở dưới cuối cùng và nghĩ đó là điều chúng ta đạt được ít nhất thời sinh viên. Bạn sẽ khó mà tìm được chỗ có thể ứng dụng vi phân, đạo hàm, tích phân hay kinh tế lượng cho công việc sau này. Chúng ta có máy vi tính, chúng ta có những siêu máy chủ, chúng ta có những nền tảng để làm việc.



Gần như 80% kiến thức bạn học được không thực sự hữu ích cho công việc. Nó chỉ đơn thuần là thứ bạn cần cho những kỳ thi. Nhưng có một điều quan trọng là nếu bạn không qua được các kì thi, bạn cũng không thể qua được thời sinh viên một cách suôn sẻ.

Bài: ST 

2 nhận xét:

  1. Vào được đại học là ước mơ của nhiều người. Thế nhưng liệu 4 năm đại học có giúp chúng ta trở thành tỷ phú như Bill Gates hay thiên tài như Albert Einstein? Dưới đây là 5 điều mà bậc học đại học thực sự mang lại cho bạn.

    Trả lờiXóa
  2. Ước mơ là một điều gì đó vượt ngoài tầm với, nó là khát vọng, là những điều tốt đẹp mà con người muốn đạt được Ước mơ sẽ làm cho con người sống có mục địch, nghị lực. Cuộc sống sẽ trở nên tươi đẹp hơn khi ta nuôi dưỡng ước mơ.

    Trả lờiXóa