Vụ cá chết hàng loạt: Ngư dân tự lặn biển truy tìm nguồn xả thải độc
Trong nỗ lực truy tìm nơi phát tán độc tố khiến cá biển chết hàng loạt, một số ngư dân tại vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) đã tự trang bị phương tiện, lặn tìm và phát hiện một đường ống xả thải phun ra thứ nước vàng đục, hôi thối.
>> Vụ cá chết hàng loạt tại biển miền Trung: Nghiêm cấm người dân ăn cá chết
>> Cá chết rải đầy bờ biển, dân nghi bị nhiễm chất độc
Theo thông tin PV Dân trí có được, một trong những người tham gia lặn xuống biển Vũng Áng truy tìm đường ống xả thải của KCN Formosa là anh Nguyễn Xuân Thành (36 tuổi, trú tại phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Sau nhiều thời gian truy tìm, anh Thành và các ngư dân đã tìm thấy một đường ống xả thải cắm sâu xuống lòng biển đang phun ra thứ nước vàng đục, có mùi hôi thối.
Vị trí được nhiều ngư dân Kỳ Anh khẳng định là chôn đường ống xả thải. Tại đây, đường ống đã được vùi lấp sâu dưới lòng đất.
Theo miêu tả của anh Thành thì đường ống có đường kính khoảng 1,1m được làm bằng sắt rất chắc chắn, phía cuối đường ống có nối với 3 ống nhỏ, mỗi đoạn đường ống nhỏ dài 2m, đường kính khoảng 40cm. Điểm cuối của ống nhỏ này được bịt bằng van cao su kiểu lưỡi gà (nước trong ống chỉ có thể chảy ra, nước ở ngoài không thể chui vào). Ống này kéo dài vào bờ biển, được vùi dưới cát và nối với khu công nghiệp.
“Vào thời điểm phát hiện, tôi thấy đường ống này phun nước rất mạnh. Nước phun từ đường ống ra có màu vàng đục, nhừa nhựa, có mùi hôi thối, ngửi cảm thấy rất ngạt thở”, anh Thành nói.
Anh H., thành viên của một công ty chuyên trục vớt tàu thuyền đóng tại xã Kỳ Lợi, người cũng đã lặn và xác nhận về đường ống xả thải nói trên, cung cấp thêm thông tin: “Đường ống xả này chạy dọc theo bờ tường rào của Formosa về phía xã Kỳ Lợi. Đến sát mép biển, đường ống chôn sâu dưới đất chạy thẳng ra biển. Vị trí cuối cùng của đường ống xả thải này nằm cách bờ biển khoảng 2km. Tôi đã xuống đó ít nhất 3 lần, và rất nghi ngờ đường ống này đã tuồn chất độc ra biển”- anh H. nói.
Anh H, người đã 3 lần lặn xuống khu vực ống xả thải nghi ngờ nguồn nước từ đường ống này là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt.
Theo anh H, vị trí cuối cùng của đường ống xả thải này nằm cách bờ biển khoảng 2km.
Sau khi phát hiện ra đường ống trên, cả anh Thành, anh H. đều đã thông tin cho Đồn Biên phòng Đèo Ngang (thuộc Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh); đồng thời vẽ lại hồ sơ cùng vị trí của đường ống dưới lòng biển.
Trung tá Nguyễn Khắc Minh, Đồn phó Đồn Biên phòng Đèo Ngang cho biết đơn vị này đã nhận được thông tin về một đường ống xả thải khổng lồ được nối liền từ khu vực Formosa ra đáy biển, như anh Thành đã trình báo.
“Hiện chúng tôi đã trình báo vụ việc này cho cấp trên là Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh biết và đang chờ ý kiến chỉ đạo”, Trung tá Minh nói.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Khánh Ly ngày 21/4, Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, ông cũng đã nhận được thông tin trình báo của người dân địa phương về đường ống xả thải nói trên, đồng thời cho biết, sắp tới sẽ trình báo thông tin có một đường ống xả thải nối liền từ Khu kinh tế Vũng Áng ra biển như ngư dân phản ánh cho Bộ NN-PTNT biết để xin ý kiến chỉ đạo; đồng thời sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng của Hà Tĩnh vào cuộc điều tra, tìm hiểu rõ về vụ việc.
Văn Dũng - Tiến Hiệp
Cá chết hàng loạt ở Thừa Thiên - Huế: Nguyên nhân ‘từ nơi khác tới’?
Dù ghi nhận có tình trạng cá tự nhiên chết “hàng loạt” nhưng ngành chức năng tỉnh Thừa - Thiên Huế không cung cấp được mẫu cá chết; kết quả quan trắc môi trường nước…
Sáng 22.4, tại TP.Huế, đoàn công tác của Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT) đã có buổi làm việc với ngành nông nghiệp, tài nguyên môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế về tình hình cá chết bất thường tại địa phương này.
Cùng với Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, tham gia đoàn công tác còn có đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an)…
Theo ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, tại tỉnh này xảy ra tình trạng cá biển lẫn cá tự nhiên chết hàng loạt kể từ ngày 15.4. Hiện chưa rõ nguyên nhân cá chết nhưng theo ông Bình, rất có thể cá tự nhiên chết xuất hiện ở Thừa Thiên - Huế do “từ nơi khác tới”, và “dưới tác động bởi tác nhân nào đó” từ môi trường biển.
Cá đặc sản 'lờ đờ', chết trắng bờ biển lan đến Quảng Trị
Sau Hà Tĩnh, Quảng Bình và TT-Huế, đến ngày hôm nay (19.4), đến lượt Quảng Trị cũng ghi nhận hàng loạt cá thể cá chết, trôi dạt vào bờ biển. Cá chết nhiều đến nỗi, rất nhiều ngư dân ra bờ biển vớt cá và tỏ ra rất hoang mang...
Một báo cáo do cơ quan chức năng tỉnh này gửi cho đoàn công tác có nội dung: Kiểm tra thực tế có 11 hộ nuôi cá lồng thiệt hại với số lượng chỉ gần 6.000 con (chủ yếu cá bớp, cá vẩu). Trong khi đó, theo thống kê của lãnh đạo TT.Lăng Cô (H.Phú Lộc), chỉ tính riêng địa phương này, đã có gần 100 hộ dân nuôi cá bị thiệt hại, với số lượng cá chết ước 4 - 5 tấn, thiệt hại tiền tỉ.
Báo cáo của sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế chủ yếu tìm nguyên nhân cá chết dựa trên đối tượng nghiên cứu là cá nuôi lồng tại sông Lăng Cô và đầm Lăng Cô (H.Phú Lộc). Tuy nhiên, đối tượng cá tự nhiên chết thì không được đề cập.
Dù ghi nhận có tình trạng cá tự nhiên chết “hàng loạt” nhưng khi đoàn công tác yêu cầu ước chừng con số; cung cấp mẫu cá lấy tại thời điểm ban đầu xuất hiện cá chết; kết quả quan trắc môi trường nước tại thời điểm trước và khi cá vừa chết…, ngành nông nghiệp lẫn tài nguyên, môi trường tỉnh không thể cung cấp.
Vụ cá chết hàng loạt: Nghi vấn ống xả thải khổng lồ dưới biển Vũng Áng
Ngày 21.4, ông Phạm Khánh Ly, Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), xác nhận ngư dân Hà Tĩnh trình báo đã phát hiện một đường ống nghi là hệ thống xả thải từ dự án Formosa “cắm” xuống đáy biển Vũng Áng.
Trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp, bà Nguyễn Thị Phương Dung, Vụ phó phụ trách Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, Trưởng đoàn công tác cho hay, hiện chưa có kết luận nguyên nhân cụ thể về nguyên nhân cá chết hàng loạt tại các tỉnh bắc miền Trung. Các đoàn công tác của T.Ư đã và đang lấy mẫu kiểm nghiệm cũng như kiểm tra thực địa; ghi nhận ý kiến của các địa phương liên quan để sớm tìm ra câu trả lời.
Ông Trần Quang Thư, Phó giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường biển (Viện nghiên cứu hải sản, Bộ NN-PTNT) cho biết thêm việc lấy mẫu sẽ giúp cơ quan chức trách sớm kết luận nguyên nhân cá chết hàng loạt trong những ngày qua.
Đình Toàn
BẠN ĐỌC PHẢN HỒI (7 nhận xét)
Thanh Long
Lê Thúy Vinh
Tramhuong
Trần Văn Ý
Hoang Thai Tu
Hoàng Hà
BÌNH LUẬN
Giả thiết về nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt ở miền Trung